XIN XĂM Ở CHÙA NÀO TPHCM

Trải qua bao năm tháng, tục lệ đi chùa, đình, miếu vào ngày đầu năm của người xưa giờ đã trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa thể hiện những triết lý nhân sinh và tín ngưỡng của người Việt.

Sau những ngày tất bật chuẩn bị, đón giao thừa trước bàn thờ gia tiên, còn gì thiêng liêng và an bình hơn khi giây phút đầu năm mới, cả gia đình cùng nhau đi đến chùa, cúi đầu, nguyện ước cho gia đạo bình yên. Tại Sài Gòn vào dịp này, bạn có thể tham khảo những địa điểm dưới đây để có một ngày đầu năm trọn vẹn và ý nghĩa.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn. Với hơn trăm tuổi, đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Sài Gòn. Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc thì nơi đây còn là một điểm tựa tâm linh vững chắc của cộng đồng người Hoa sống trên đất Việt. Lễ vía Bà nhằm ngày 23 tháng 3 âm lịch, đây là ngày lễ chính của chùa thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có cả người Hoa, người Việt lẫn du khách nước ngoài. Ngoài ra vào ngày 28 Tết, người dân sẽ tổ chức lễ cúng Bà và lễ khai ấn nhằm cầu mong Bà che chở cho năm mới thật suôn sẻ.

*

Chùa bà Thiên Hậu nghi ngút hương khói, đặc biệt vào những ngày đầu năm khách thập phương đến đây cúng bái rất đông.

Chùa Minh Hương

Ngoài chùa Bà Thiên Hậu thì ngôi chùa Minh Hương thờ Quan Công – Quan Thánh Đế Quân là một nơi bạn không thể bỏ qua trong chuyến hành hương đầu năm mới bởi vì hai địa điểm này khá gần nhau. Mang dáng vẻ trầm mặc giữa lòng phố thị, ngôi chùa cổ được phủ lên mình những giai thoại linh thiêng huyền ảo suốt trăm năm nay là một địa chỉ quen thuộc cho người dân tới lui cúng bái nhất là vào dịp xuân về. Khi đến đây, bạn đừng quên xin Quan Thánh Đế Quân cho mình một quẻ xăm vì theo những lời người đi trước, lời chỉ bảo trong quẻ xăm tại chùa Minh Hương rất linh nghiệm.

*

Chùa được xây dựng từ năm 1902 bởi một nhánh người Hoa Minh Hương sinh sống tại Chợ Lớn.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Có nguồn gốc xuất phát từ ngôi chùa Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang từng là trung tâm truyền bá đạo Phật của Thiền Phái Trúc Lâm. Ngôi chùa Vĩnh Nghiêm tại Sài Gòn được xây dựng theo lối kiến trúc miền Bắc Việt Nam với không gian khoảng 7.000m2. Vào những ngày đầu năm, người dân đến đây rất đông. Bạn có thể xếp hàng để tham gia gõ chuông tại chùa, việc làm này có ý nghĩa rằng tiếng chuông ngày đầu năm sẽ xua đuổi tà khí và mang lại may mắn cho gia đình bạn.

*

Đây là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất đối với du khách tham quan khi có vị thế đắc địa nằm gần trung tâm thành phố.

Đình Nam Chơn

Theo một số tài liệu nghiên cứu, đình Nam Chơn được những lưu dân Quảng Nam lập vào khoảng thế kỉ 19. Ngôi đình trăm tuổi này là nơi thờ phụng Ngũ Vị Linh Thần gồm Bắc Quân Đô đốc Bùi Tá Hán, Quan Thánh Đế Quân, Cao Các Quảng Độ Đại Vương , Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, và Dương Phi Phu Nhân. Đến nay, trong đình vẫn còn bảo quản và lưu giữ các hiện vật như mũ, áo, và chiếc võng của các tướng quân rất cẩn trọng. Lễ kỳ yên của đình Nam Chơn được diễn ra vào ngày 16 tháng 6 âm lịch nhằm tưởng nhớ công lao của các vị tướng quân. Khác hẳn với không khí thanh tịnh thường ngày, vào những ngày Tết ở đình Nam Chơn rất đông người. Vào ngày 23 tháng chạp trước Tết, bạn cũng có thể đến nơi đây để xem ngày lễ bế môn của môn phái võ cổ truyền này.

*

Đây cũng là nơi tập luyện của các võ sư trong môn võ cổ truyền Nam Huỳnh Đạo.

Lăng Ông Bà Chiểu

Không hề xa lạ với người dân Sài Gòn, cứ mỗi độ xuân về, tại Lăng Ông lại thấp thoáng những tà áo dài đến dâng hương và chụp ảnh. Lăng Ông tại Bà Chiểu được xây dựng vào đời vua Tự Đức, lăng thờ phụng Tả Quân Lê Văn Duyệt cùng với vợ là bà Đỗ Thị Phận. Với lối kiến trúc cổ kính của triều đình nhà Nguyễn, Lăng Ông cũng được các bạn trẻ tìm đến nhất là vào mùa xuân để ghi lại khoảnh khắc bên những tà áo dài truyền thống. Vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch thì nơi đây sẽ tổ chức lễ giỗ cho Ông thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự.

*

Nơi đây không chỉ là khu di tích lăng mộ mang giá trị văn hóa lịch sử kiến trúc mà còn là địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Sài Gòn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *