Sai phạm tại Thủ Thiêm: TP.HCM sẽ chi 1.400 tỉ đồng bồi thường bổ sung 4,3 ha ở Thủ Thiêm

Nguyên nhân khiếu kiện kéo dài…

Theo đó, ngày 1/3/2022, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM với UBND TP.Thủ Đức về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn từ ngày 1/7/2016 – 1/7/2021. Trong đó, nội dung làm việc có đề cập đến phần đất 4,3 ha trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị thu hồi chưa đúng quy định đối với 331 hộ dân khiến khiếu kiện kéo dài.

Theo đại diện UBND TP.Thủ Đức, thời gian vừa qua tỷ lệ đơn khiếu nại, tố cáo từng lĩnh vực giảm đi đáng kể. Đồng thời, đơn vị này cũng thông tin tiến độ giải quyết bồi thường bổ sung liên quan đến 4,3 ha của Thủ Thiêm.

Hơn nữa, nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tranh chấp đất đai, nhà cửa, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại: khu đô thị Thủ Thiêm mới, khu Công nghệ cao, dự án chỉnh trang phát triển đô thị Long Bình, Đại học Quốc gia, dự án mở rộng đường Lê Văn Việt, xa lộ Hà Nội, các tranh chấp đất đai…

Về khiếu nại, tố cáo liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Đỗ Quốc Doanh, Phó trưởng Ban bồi thường – Giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức cho biết, trong giai đoạn cao điểm từ 2015 – 2018, người dân Thủ Thiêm đi khiếu nại rất nhiều và thường xuyên đi Hà Nội. Đến năm 2018, Thanh tra Chính phủ có Kết luận 1483 về việc xác định một phần đất 4,3 ha trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị thu hồi chưa đúng quy định. Đến năm 2020, TP.HCM ban hành chính sách bổ sung cho 331 hộ này, hiện nay chính quyền đang tiếp dân cho bốc thăm chọn nền căn hộ, nhà đất.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, từ năm 2018, khi có Kết luận 1483, một số hộ dân Thủ Thiêm vẫn tiếp tục đi Hà Nội khiếu nại vì cho rằng chưa thỏa đáng. Tháng 7.2021, Thanh tra Chính phủ có Kết luận 1169, nhưng do điều kiện giãn cách xã hội nên chưa thể họp dân để công bố.

“Về chính sách bồi thường bổ sung 4,3 ha ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện nay trên 60% người dân Thủ Thiêm đồng thuận chính sách bổ sung. Còn khoảng 12 hồ sơ liên quan đến thừa kế, khiếu nại ranh đất thì UBND TP.Thủ Đức đang xem xét, giải quyết” – ông Doanh cho biết.

Cũng theo ông Doanh, ngoài kết luận cuối cùng của Thanh tra Chính phủ, TP.HCM cũng có dự thảo một chính sách có 10 nội dung, đã hoàn thành nhưng còn lấn cấn về nguồn vốn bố trí để giải quyết bổ sung cho 5 khu phố thuộc 3 phường của Thủ Thiêm liên quan, vì có khoảng 3.000 hồ sơ, giá trị khoảng 1.400 tỉ đồng nên chưa ban hành”.

Phát niểu tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, mục tiêu của bồi thường là vẫn tiếp tục đảm bảo cuộc sống cho người dân. Nhưng khi nhà nước thu hồi đất, người dân chưa đảm bảo về đất, nhà ở thì mục tiêu chưa đạt được.

Dẫn chứng về bức xúc của người dân, bà Tuyết khuyến nghị lãnh đạo UBND TP.Thủ Đức thử đặt trường hợp của mình vào các trường hợp đi khiếu nại, tố cáo để nhìn nhận vấn đề, từ đó giải quyết thấu đáo, đúng tiến độ, không kéo dài; đồng thời, nếu cho rằng chính sách bồi thường chưa phù hợp thì cùng có ý kiến sửa luật.

>>UBKT Trung ương sẽ có kết luận về sai phạm tại Thủ Thiêm trước Tết nguyên đán năm 2020

Tăng tỷ lệ tái định cư

Trước đó, UBND Q.2 kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo sở ngành liên quan sớm tham mưu, ban hành văn bản pháp lý giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp trong khu đất 4,3 ha ở Thủ Thiêm.

Cụ thể, Văn bản của UBND quận 2 nêu: để tiếp tục công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm (tránh gây thất thoát, lãng phí do chậm thu hồi đất), UBND Q.2 kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo sở ngành liên quan sớm tham mưu, ban hành văn bản pháp lý giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp trong khu đất 4,3 ha ở KP1, P.Bình An (Q.2).

Đồng thời, cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp lý để tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đáng chú ý, trước đó, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 1483/2019, UBND Q.2 phối hợp với tổ công tác liên ngành rà soát và bổ sung 10 nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với 331 hộ dân bị ảnh hưởng trong khu đất 4,3 ha.

Tháng 10/2019, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường hỗ trợ, tái định cư bổ sung với các hộ dân nêu trên.

Hiện UBND Q.2 thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, xác định hệ số hoán đổi để tính bồi thường, hỗ trợ. Trên cơ sở đó, căn cứ vào giá bồi thường, hỗ trợ của dự án lân cận đã được TP.HCM phê duyệt cùng thời điểm để xác định đơn giá tại các khu tái định cư tính bù trừ chênh lệch diện tích hoặc giải quyết chi trả bằng tiền.

Văn bản báo cáo của UBND Q.2 cho biết thêm đến giữa tháng 11/2019, Hội đồng bồi thường Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã thông qua chứng thư, đơn giá tại các khu tái định cư để tính bù trừ chênh lệch diện tích khi bố trí tái định cư.

Sau khi hoàn tất hồ sơ liên quan, UBND Q.2 sẽ trình Sở TN-MT xem xét thẩm định hệ số hoán đổi, đơn giá tại các khu tái định cư tính bù trừ chênh lệch và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung để trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Cùng với đó, UBND Q.2 kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở QH-KT và các đơn vị có liên quan hoàn tất thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Đồng thời đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh với ba lô đất tại khu 1,8 ha thuộc P.Bình Khánh để triển khai bố trí tái định cư cho dân sau khi chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung được phê duyệt.

Trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, UBND Q.2 kiến nghị TP.HCM giao cho Ban quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp với các sở Xây dựng, Tài chính thực hiện thanh lý, tháo dỡ đối với nhà mẫu tại khu 38,4 ha P.Bình Khánh. Song song đó tiến hành phát hoang, san lấp mặt bằng khu 1,8 ha thuộc P.Bình Khánh.

UBND Q.2 cũng kiến nghị TP.HCM và các cơ quan trung ương tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân liên quan đến năm khu phố thuộc ba phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh thì chấp thuận cho Q.2 tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất nhằm đảm bảo triển khai dự án. Đặc biệt là các trường hợp thuộc khu vưc ưu tiên 4 tuyến đường chính; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc…

Cuối cùng, UBND TP.HCM xem xét bổ sung kinh phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (tăng mức trích từ 0,9% lên 1,2% trên tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) để đảm bảo hoạt động cho các công việc còn lại, nhất là việc thu hồi đất bằng biện pháp hành chính, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, thanh quyết toán…

Ngày 4/6/1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến ngày 27/12/2005, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã ký QĐ số 6565 thay thế quyết định số 367 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Theo đó, quy hoạch chung của KĐTM Thủ Thiêm được thay đổi khá nhiều so với quyết định phê duyệt ban đầu của Thủ tướng.

Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này.

Tuy nhiên, kể tư khi triển khai dự án đã gặp phải khiếu kiện gay gắt của người dân, kéo dài từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Trong khoảng thời gian đó, Thanh tra Chính phủ đã ra hai kết luận thanh tra. Kết luận lần đầu vào năm 2018 (kết luận 1483) công nhận khu 4,3ha năm ngoài ranh, còn 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong ranh. Sau kết luận, người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, cho rằng 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh. Đến năm 2021, Thanh tra chính phủ tiếp tục có kết luận thứ 2 (số 1169), tái khẳng định 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *